Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Công nghiệp hóa nghề gia truyền sản xuất bún tươi

Lập nghiệp từ nghề sản xuất bún gia truyền, bà Nguyễn Thị Bính chuyển đổi sản xuất theo lối công nghiệp. 
Người phụ nữ đậm người liên tục gọi điện thoại nhắc nhân viên giao hàng cho khách. Không nhìn vào số, bà đọc chính xác địa chỉ và khối lượng. Cất điện thoại vào túi, xòe hai bàn tay tròn trịa in rõ mấy vết sẹo, dấu ấn của thời làm lụng nặng nhọc, bà Nguyễn Thị Bính, giám đốc công ty Bún tươi Nguyễn Bính khoe: “Tôi giữ móng tay dài được hơn một tháng rồi, từ lúc việc sản xuất được tự động hóa.”

18 năm từ cơ sở sản xuất thủ công truyền thống, với kiến thức về nghề làm bún và hiểu biết về cơ khí, bà Bính đã đầu tư, thuê người gia công máy theo ý tưởng của mình để sản xuất công nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chiếm khoảng 1% sản lượng bún tươi sản xuất ở TP.HCM, công ty quy mô gia đình này có doanh thu ước tính hơn hai triệu đô la Mỹ mỗi năm. Trong xu hướng ưu tiên sản xuất sạch, an toàn, cơ sở sản xuất như bà Bính có cơ hội mở rộng, đi cùng với với hệ thống bán lẻ hiện đại, chuỗi cửa hàng thực phẩm.
Trong xưởng sản xuất bún tươi của bà Bính ở quận Tân Bình rộng khoảng 500 m2, có khoảng 10 người thợ đứng máy. Mỗi giờ, hai chiếc máy đóng gói hoạt động liên tục có thể cho ra 1,25 tấn thành phẩm. Sự khác biệt của xưởng sản xuất không phải ở quy trình, khả năng tự động hóa mà là chiếc máy ép bún. Bởi nó do bà Bính thiết kế và thuê người chế tạo.
Năm 1999, ở tuổi 29, bà Bính quyết định nối nghiệp gia đình làm bún sau tám năm làm đủ nghề, từ lao công, giúp việc nhà, trang điểm, thậm chí phụ hồ, rồi bán thịt heo. Sau hai năm làm nghề, ngoài khâu xay bột, cắt sợi có thể làm bằng máy, còn lại hầu hết 15 công đoạn từ ngâm, vo gạo, thấu bột.. đều làm tay, bà Bính nghĩ đến việc cải tiến sản xuất.

Năm 2001, bà sử dụng nồi hơi để luộc bún, vừa ít tốn kém nhiên liệu so với đốt than, lại tận dụng được nhiệt do hệ thống khép kín, đảm bảo vệ sinh, bún chín đều hơn và ít bị gãy khi luộc. Bà ước tính, lò hơi giúp giảm hơn 20% chi phí nhiên liệu so với lò đun bằng than. Cũng trong năm này, kiến thức hai năm học trung cấp Lắp máy Long Thành giúp bà cải tiến máy ép sợi bằng tay thành máy ép. Công suất lò hơi cũng được bà nâng lên mức 700 kg/giờ, tăng hơn ba lần so với lúc đầu, để đồng bộ với công suất máy ép.
Quá trình thay đổi sản xuất theo hướng công nghiệp của bà gặp không ít khó khăn. Năm 2015, sau khi phác thảo thiết kế dây chuyền bơm gạo từ kho vào bồn vo và ngâm, bà tìm các xưởng chế tạo cơ khí thuê gia công nhưng không ai nhận. “Tôi tìm suốt hai năm trời, hơn chục người tới xưởng coi rồi lắc đầu bỏ đi. Họ sợ làm không được như hợp đồng thì lỗ vốn,” bà Bính kể. Cuối cùng, người thợ bảo trì nhà xưởng nghe bà than thở đã quyết định sản xuất thử và thành công.

Học trung cấp lắp máy, rồi quản trị kinh doanh của đại học Mở, bà Nguyễn Thị Bính thành công trong sản xuất bún tươi. 
Nhưng số phận máy đóng gói lại không may mắn như vậy. Năm 2013, bà chi 300 triệu đồng thuê công ty chế tạo cơ khí thực hiện máy đóng gói bún do bà thiết kế. Kết quả thất bại hoàn toàn: bao bì bị rách do sử dụng nhiệt quá mức. Không nản chí, bà kiên trì tìm hiểu, điều chỉnh thiết kế, rồi thuê người gia công nhưng không thành công. Mãi tới năm 2016, khi gặp công ty chuyên sản xuất máy đóng gói của một nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa mới ra trường, hai bên cùng nghiên cứu, điều chỉnh để sử dụng vật liệu mỏng nhằm giảm chi phí, với nhiệt đóng gói vừa đủ.
Cuối năm 2016, cùng với hai máy đóng gói tự động, các dây chuyền sản xuất ở xưởng của bà đã được tự động hóa hoàn toàn. “Nay máy móc đã làm hết, từ khâu bơm gạo vào bồn ngâm đến sợi bún đóng gói sẵn, tôi có thêm thời gian tìm khách hàng,” bà Bính nói, mắt vẫn dõi theo các gói bún tươi chạy trên dây chuyền đóng gói tự động do chính bà thiết kế.
Cùng với việc thay đổi cách thức sản xuất, bà Bính phát triển sản phẩm bún đóng gói mang thương hiệu Nguyễn Bính. Năm 2005, bà lập công ty Nguyễn Bính. Sản phẩm mới, giá cũng cao hơn loại thông thường nên bà chọn cách “cho trước lấy sau.” Cứ có khách mua lẻ, bà tặng một ít về ăn thử. Các đơn hàng vài chục ký của chủ sạp ở các chợ, bà kèm thêm vài gói bún loại 500 gam, như kiểu công ty không đủ hàng rời nên bù thêm hàng đóng gói. Bà cũng chấp nhận cho tiểu thương trả lại nếu bán không hết vào cuối ngày.
Thực hiện gần 5 năm, thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính len lỏi vào được nhiều chợ và chuỗi nhà hàng ăn uống. Bún đóng gói là sản phẩm chính chiếm 80% cơ cấu sản phẩm, trong khi sợi phở tươi chiếm 10% và bánh canh 8%, còn lại là mì Quảng. Bà Bính ước tính, năm 2016, dù giá tăng gần 10% do khấu hao đầu tư dây chuyền tự động, nhưng lượng hàng bán vẫn tăng trên 30% so với năm 2015.
Dù bà Bính không tiết lộ doanh thu cụ thể, chỉ cho biết mỗi ngày khách đặt khoảng 10 tấn bún. Với giá sỉ bình quân khoảng 10 ngàn đồng/kg, doanh thu hằng năm cỡ 36 - 40 tỉ đồng. Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, bún Nguyễn Bính và bún của công ty Thực phẩm Bình Đông là số ít đơn vị uy tín trong nhiều cơ sở sản xuất bún tươi ở TP.HCM.
Từ năm 2013 đến nay, sở Công Thương TP.HCM chỉ cấp phép cho khoảng 400 cơ sở làm bún, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 tấn. Theo bà Bính, tính luôn các cơ sở bún không đăng ký thì số cơ sở sản xuất có thể đến 600. Bún sạch có màu ngà của gạo, có độ dính và không có mùi chua như sản phẩm không thương hiệu. “Bà Bính là người làm ăn thật thà, nói là làm”, ông Hưng nhận xét.
Giữa buổi nói chuyện, điện thoại bà Bính lại rung lên. Sau khi cúp máy, bà cho biết khách hàng mới là chuỗi siêu thị tiện ích thuộc sở hữu nước ngoài tại Việt Nam. “Đây là khách hàng mới thứ ba trong ngày hôm nay”, bà cười tít mắt và đặt điện thoại lên bàn như chờ một cuộc gọi khác sắp đến. Bà Bính đang muốn tăng thị phần lên gấp 20 lần trong thời gian tới, từ mức khiêm tốn 1% như hiện nay.
“Thời gian qua chúng tôi chưa dám mở phòng kinh doanh, đẩy mạnh tiếp thị. Vì chỉ với khách hàng mới tự tìm đến, nhà xưởng đã hoạt động hết công suất,” bà chậm rãi giải thích cho kế hoạch táo bạo sắp triển khai. Nhóm khách hàng chính hiện nay của Nguyễn Bính bên cách các siêu thị như Vinmart, Citimart, còn có nhà hàng thuộc khách sạn năm sao (Park Hyatt, Caravelle), chuỗi nhà hàng ăn uống có thương hiệu (Wrap & Roll) và nhiều trường học quốc tế... Bà tin rằng, nhu cầu sử dụng bún đóng gói sẽ tăng lên trong tương lai. “Chúng tôi ưu tiên đẩy hàng vào các chuỗi nhà hàng lớn trước, nhằm thay đổi thói quen dùng bún sạch của người tiêu dùng,” bà nói thêm.
Để nâng công suất, bà dự định đầu tư hơn 50 tỉ đồng, xây nhà xưởng rộng 10.000 m2 ở Củ Chi. Vốn đầu tư một phần từ nguồn vốn tự có, còn lại sẽ vay ngân hàng hoặc tìm đối tác bán bớt cổ phần. Năm 2016, theo lời bà Bính, công ty Thai Wah (Thái Lan) định giá công ty 100 tỉ đồng và muốn mua 60% để kiểm soát, nhưng bà lưỡng lự.
Bên cạnh mặt hàng bún tươi, bà dự định đầu tư dây chuyền sản xuất bún khô đóng gói. Làm thế nào bà có thể đầu tư tiếp tục? Người phụ nữ quê ở Hà Tây cho biết, bà chọn cách lấy ngắn nuôi dài, tích lũy để phát triển.

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Cách làm món phở chiên phồng cực ngon dịp cuối tuần.

Bún tươi Nguyễn Bính xin chia sẽ với mọi người cách làm món phở chiên phồng cho gia đình dịp cuối tuần .
Nguyên liệu:
- 400g thịt bò
- 1kg bánh phở cuốn
- 1 mớ rau cải ngọt
- Rau thơm: Xà lách, húng bạc hà, rau mùi
- Chanh, ớt, tỏi, gừng, hành khô
- Gia vị: Nước mắm, dầu ăn, gia vị, đường, bột năng

Cách làm bánh phở chiên phồng

Tẩm ướp thịt bò:
- Chọn thịt bò ngon thì mới cho ra món ăn ngon được nhé. Bí quyết là hãy chọn thịt bò có màu đỏ tươi, thơm mùi bò, đừng chọn loại đỏ sẫm mà có mỡ màu vàng đậm, đó là thịt bò già, ăn sẽ dai. Còn thịt đỏ đậm mà mỡ màu trắng thì là thịt trâu rồi.
- Sau khi chọn được miếng thịt bò ngon, bạn rửa sạch, nếu cầu kì hơn trong việc khử mùi hôi của thịt bò thì hãy xát lên thịt bò 1 chút gừng giã nát (sau khi nướng và cạo bỏ lớp vỏ cháy đi, đem giã nhuyễn). Sau đó rửa sạch bằng nước. Với cách này thì đảm bảo người “thính mùi” nhất cũng không thể nào chê được.
- Thịt bò sau khi đã rửa sạch, mang ra thái miếng mỏng rồi đem ướp với gia vị: bột canh, hạt nêm và 1 chút tỏi băm.
- Để thịt bò được mềm khi xào hãy cho thêm khoảng 1 thìa dầu ăn vào trộn đều sau đó để thịt ngấm trong khoảng 30 phút trước khi xào

Chuẩn bị gia giảm cho món bánh phở chiên phồng:

- Cải ngọt (hoặc cải chíp) rửa sạch, để ráo nước
- Các loại hành, tỏi bóc vỏ, gừng cạo sạch vỏ sau đó đem băm nhỏ mỗi loại, để riêng
Thái phở cuốn:
- Từ miếng phở cuốn mua về, chập làm 3 rồi cắt thành những miếng hình vuông vừa ăn khoảng chừng 3cmx3cm.
Xào thịt bò:
- Phi thơm hành, tỏi, gừng với dầu ăn trong chảo rồi cho thịt bò vào xào cùng. Để lửa to, đảo nhanh tay, thịt bò rất nhanh chín, khi thịt đổi màu, đun thêm 1 chút là được, để hơi tái 1 chút lát mình còn xào lại cùng rau cải nữa, đừng xào quá lâu thịt sẽ bị dai. Khi trút thịt bò ra đĩa bạn nhớ chắt riêng phần nước vào 1 cái bát con.
Chần rau cải:
- Bí quyết để rau cải xanh và bóng ngon, thì trước khi xào hãy chần qua nước sôi với 1 chút xíu muối để cải chín tái
Chiên phở:
- Bí quyết làm phở chiên phồng ngon là bạn phải cần tốc độ 1 chút nhé. Phở chiên phồng để nguội cũng không ngon, mà thịt bò rau cải cũng như vậy. Chính vì thế phải tính toán để mọi thứ “về đích” gần như 1 lúc.
- Sau khi sơ chế rau và thịt bò Sau đó chuẩn bị 1 chảo dầu, đun nóng già, thả bánh phở vào chiên cho vàng giòn rồi nhanh tay dùng vợt vớt ra khay để ráo bớt dầu
Xào rau:
- Rau cải sau đi đã chần tái giờ mình chỉ cần nhanh tay xào to lửa với dầu ăn và tỏi vừa nhanh chín lại xanh bóng ngon mắt hơn xào trực tiếp. Thêm gia vị cho vừa ăn. Rau cải sau khi chín bạn cũng để riêng cái và nước.
- Dùng 2 thìa café bột năng pha vào 1 chút nước để có nước xốt sánh nhé (phần này nên chuẩn bị trước khi chiên phở cho đỡ mất thời gian nhé). Đun phần nước xào thịt bò và nước xào rau chung sôi lên, rồi đổ bát bột năng vào khuấy đều cho sôi rồi tắt bếp. Sau đó cho rau và thịt bò vào đảo quả, đổ nước sốt vừa làm vào và trộn đều lên là xong.
- Trút thịt bò và rau ra 1 chiếc đĩa sâu lòng sau đó bày phở xung quanh là xong.
 Để chế biến ra được món phở chiên ngon ngoài nguyên liệu tươi ngon thì thành phần không kém quan trọng đó là chọn được nguồn banh pho tươi ngon không chất bảo quan để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cho gia đình bạn nhé.
Chúc các bạn thành công !!

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Bánh ướt thơm ngon



Bánh ướt – bánh cuốn thì hình như có ở khắp mọi miền. Mỗi nơi biến tấu 1 chút. Miền Bắc thì có bánh cuốn nhân thịt , miền Trung có bánh cuốn thịt nướng, miền Nam có bánh ướt. Nhưng về cơ bản thì “bánh” làm cũng giống nhau, bột gạo vẫn là nguyên liệu chính. Tuỳ vùng, tuỳ người mà thêm này nọ, đổ dầy hay đổ mỏng thôi. Lúc trước nhìn thấy mấy cô đổ bánh ướt cũng phải khâm phục tại sao họ lấy cái bánh ra được cái vĩ vải như vậy. Đã có lần Má gởi sang cho 2 cái khuôn/vĩ đổ bánh ướt như vậy, cùng mấy cái que tre để gở bánh, nhưng mình nghĩ chắc không làm nổi nên đành xếp xó nó rồi. Trong đầu thì vẫn luôn đinh ninh là tráng bằng chảo thì không có thể nào bánh mềm và ngon được. Tới lúc thèm quá mà nhà thì quá xa chợ thì cũng phải lôi bột, chảo ra đổ thử. Bánh sau khi lấy ra khỏi chảo thì nhiều cái có cái viền ngoài giòn, nhưng vì cái bánh có rất nhiều nước nên 1 chút sau những phần giòn đó cũng trở nên mềm. 

Bánh ướt thì bán đầy ngoài chợ, của người Việt làm cũng có, người Hoa làm cũng có. Cái vấn đề của mình là phải đi chợ mới mua được. Nếu về ăn liền trong ngày thì không sao nhưng nếu để dành thì phải bỏ tủ lạnh. Y như rằng ngày hôm sau bánh cứng ngắt. Bỏ vào microwave thì ăn dở tệ. Hấp lại thì có khá hơn 1 chút nhưng chỗ cứng, chỗ mềm, chỗ nhão, rồi phải mắc công đi rửa cái nồi nữa chứ! Ngòai ra nếu có làm bánh ướt thì mới thấy không biết sao bánh ướt ở ngoài chợ rất trắng. Nếu có làm bánh bao cũng sẽ thấy tình trạng tương tự. Có nhiều người thắc mắc có phải họ dùng bột tẩy hay không ? Nói chung là bánh ướt mình tráng ra có trong – là do bột mì tinh – nhưng không có trắng như ngoài chợ. Nhưng ít ra mình biết bánh mình làm ra không bỏ thêm hoá chất gì khác. Hơn nữa nếu để tủ lạnh thì 2-3 ngày sau bánh vẫn mềm, chỉ cần bỏ vào microwave là ngon lại như mới, đó là điều mình rất thích khi đổ bánh ở nhà.
 Nếu chỉ đổ bánh ướt thôi thì có thể đổ 1 lúc 2 chảo – dĩ nhiên là chảo không dính hé. Những cái bánh đầu vì nhiệt độ, vì dầu và vì chảo nấu những món trước  đó nên nếu bánh có khó gỡ ra thì đừng nản chí. Nếu như cái sau dễ gỡ hơn cái trước tức là được rồi đó, khoảng 3-4 cái thôi mọi chuyện sẽ ổn thoả. 
1.      Nguyên liệu làm bột đổ bánh
 §  1 cup (chén) bột gạo
§  1 cup (chén) bột năng
§  3 cup (chén) nước lạnh + 2 cup (chén) nước sôi
§  1 muỗng cafe muối
§  1 muỗng canh dầu ăn
2.      Cách làm
 §  Trong 1 cái thau lớn trộn bột gạo, bột năng, muối và 3 chén nước lạnh lại với nhau. Quậy cho tan hết bột. Tiếp đó đổ 2 chén nước sôi vào và quậy cho đều
§  Đậy lại và nên ngâm bột qua đêm hoặc ít nhất là 4 tiếng trong tủ lạnh.
§  Trước khi đổ bánh nên gạn phần nước bên trên. Nhớ đong/cân phần nước gạn ra, lấy ra bao nhiêu thì đong lại bấy nhiêu nước trong vào thau bột. Mục đích làm cho bột bớt đi mùi … bột
§  Sau khi gạn bỏ nước và thay bằng nước mới thì bỏ 1 muỗng canh dầu ăn vào. Nhờ lượng dầu ăn này và cái chảo chống dính mà mình không cần phải thoa dầu sau mỗi lần đổ bánh.
3.      Đổ bánh
Vài ghi chú trước khi đổ bánh
§  Nếu nhanh tay thì có thể đổ 1 lúc 2 chảo. Bao nhiêu đó bột nếu không trục trặt nhiều với cái chảo thì đổ khỏang 25 – 30 phút
§  Tùy chảo mà vài cái bánh đầu sẽ không tróc, nứt, bể… rất làm mình mất tinh thần. Ngay cả những chảo trước đây đổ rất “ngon” bây giờ đổ lại cũng “giở chứng” trong mấy cái đầu. Do đó đừng có nản lòng. Coi như mấy cái đầu là thí nghiệm để mình canh nhiệt độ, để cho chảo quen bột…
§  Về phần bột thì mỗi lần đổ phải quậy cho đều. Do đó để quậy cho nhanh, mình múc ra khoảng 1 tô bột, khi nào đổ hết tô đó sẽ lấy tiếp từ trong thau. Làm như vậy mỗi khi phải đổ bánh mới mình không tốn nhiều thời gian quậy bột và những cái bánh cuối cũng không khô vì bột quá đặc.
 Đổ bánh:
§  Bắt chảo lên bếp thoa 1 lớp dầu ăn mỏng (chỉ cần thoa 1 lần đầu này thôi). Khi chảo nóng thì bắt đầu đổ bột vô. Khi đổ bột thì chỉnh lửa ở mức trung bình
§  Quậy bột và múc ra 1 vá (muỗng to) bột, đổ vào chảo
§  Xoay chảo cho bột tráng đều cả bề mặt.
§  Đậy nắp lại khoảng 20 giây. Khi mở nắp ra chú ý đừng cho nước đọng trên nắp rơi lại vào chảo
§  Sau khi mở nắp ra khoảng 30 giây thì có thể trút bánh ra dĩa được nhất là khi thấy viền xung quanh bánh giòn tróc rồi (Muốn bánh trút ra dễ dàng thì dùng cái sạn tách xung quanh cái bánh cho đừng dính chảo trước)
§  Trên 1 cái dĩa to – to hơn cái chảo 1 chút – thoa 1 lớp dầu mỏng, úp chảo bánh xuống bánh sẽ tự rớt xuống.
§  Để bánh nguội ít nhất 10 – 20 giây trước khi cuộn lại (bánh ướt) hay gói với nhân thịt (bánh cuốn)
§  Để chảo lại lên bếp và tiếp tục cho những cái kia
  4. Bánh ướt
Nguyên liệu:
§  Chả lụa – có thể thêm vài loại chả lụa khác nhau nếu thích và có sẵn
§  Nem chua (tùy thích)
§  Thịt nướng (tùy thích)
§  Giá: rửa sạch, bỏ vào dĩa/ tô, để vào microwave 45 – 60 giây là giá vừa được. Hoặc nấu nước sôi, bỏ giá vào và vớt ra liền
§  Rau thơm : húng cây, quế
§  Củ hành tím: lột vỏ, xắt mỏng, phi vàng, giòn
§  Nước mắm pha 
Trình bày:
§  Bánh ướt cắt ngắn đọan khỏang 5cm
§  Chả lụa, nem chua cắt miếng tùy thích để lên trên cùng với giá trụng, rau thơm. Ăn cùng với chén nước mắm
 5. Bánh cuốn
Nhân thịt:
§  250g (½ lb thịt heo xay)
§  20g nấm mèo khô: ngâm nở, cắt nhỏ
§  1 củ hành tây: lột vỏ, cắt nhỏ
§  Muối, đường, tiêu, bột ngọt, dầu ăn
§  Cách làm: Bắt chảo lên bếp cho nóng cho hành vào xào sơ, sau đó bỏ thịt vào xào. Nêm gia vị cho vừa ăn. Khi thịt đã ½ chín, ½ sống (hồng hồng) thì bỏ nấm mèo vào xào. Khi thịt chín thì tắt bếp. (Nhớ là xào bằng lửa lớn không thôi hành, thịt sẽ ra nước)
Cuốn bánh
§  Tùy theo ý mình muốn cuốn 1 cái bánh lớn, dài hay bánh ngắn/ nhỏ thôi. Sau khi trút bánh ướt ra khỏi chảo thì đợi cho nguội 1 chút có thể dùng dao cắt miếng bánh ra làm đôi hoặc để nguyên, bỏ nhân lên và cuốn lại
§  Bánh cuốn ăn nóng cùng với các món giống như bánh ướt ở trên. 



Bún tươi không chất tạo sợi



Để có 1 đĩa bún tươi dai ngon, mất thời gian 7 ngày, bạn có tin không?
Thường ngày chúng ta hay ăn bún, phở nhưng chưa biết được người bán phở hay bán bún cung cấp cho chúng ta loại nào. Hiện nay có rất nhiều nơi cung cấp bánh phở hay bún tươi, do chạy theo nguồn lợi nhuận và mẫu mã đẹp để thu hút người mua. Thế nên các cơ sở sản xuất bún thường bỏ thêm các chất phụ gia và thường không xử lý được việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho sợi bún hay bánh phở.
Quả thất theo đúng công thức để làm ra sợi bún, người làm bún phải trải qua một thời gian gần một tuần để các sợi bún được hình thành. Với độ dai, giòn mà màu sắc trắng đục hấp dẫn. Ngày này có nhiều dụng cụ, hóa chất hỗ trợ để rút ngắn 1 phần nào đó của quá trình làm bún, dẫn đến sợi bún sẽ mất đi phần nào đó độ giòn, dai theo đúng bản chất truyền thống của nó!


Nhận biết bún ngon và những điều cần biết:
-          Sợi bún dai, dòn, cầm vào có cảm giác mịn, mềm
-          Sợi bún mướt, có độ dính tốt, không bị khô
-          Sợi bún có màu ngà ngà của gạo, không quá bóng
-          Ngâm bún trong nước hoặc  nước mắm, sợi bún xẹp mềm xuống  nhưng không bị rã trong nước. để thời gian lâu sẽ thấy nước mắm bị đục hơn.
Nhiệt độ thích hợp để bảo quản bún là từ  15꙳C - 20꙳C. Thời gian bảo quản 24h. Để lâu bún sẽ lên men, nhão ra và có mùi hôi . Nếu bảo quản không tốt ta nên chụm lại bằng nước sôi trước khi ăn.
Từ xa xưa, gạo từ những cây lúa đã trở thành nguồn lương thực cực kì quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt và thế giớ. Từ hạt gạo ngà ngà, trắng mịn đã làm lên những bữa ăn ngon, ấm cúng. Hạt gạo từ đó được dùng để chế biến thành rất nhiều món ăn như: Cơm niêu các loại, Bún tươi - sợi, bột làm bánh các loại, bánh phở,…và còn nhiều món ăn tinh tế được làm ra từ gạo.

7 ngày để ra được sơi bún tươi. Bạn có tin không?

 

Ngâm gạo chất lượng chung với lượng nước vừa phải, xay nhiễn và đợi cho hỗn hợp gạo nhuyễn với nước có thể tạo lên sợi 1 cách tự nhiên, lưu ý không cần sử dụng bất kì chất tạo sợi để rút ngắn dai đoạn. Sau quá trình tạo sợi 7 ngày tự nhiên sẽ cho ra sợi bún có độ dòn dòn, dai dai,và rất mịn. Màu sắc của bún có màu ngà tựa màu của hạt gạo, không trăng tinh và bóng loáng, độ dính cao.
Bún ngon là bún được làm từ chính trái tim và lòng kiên nhẫn của người làm bún!
Bún Thủ Đức thương hiệu bún sạch, bún tươi ngon vì sức khỏe của toàn xã hội và bản thân những người thân yêu.
Nguồn: bunthuduc.com